Tổng hợp kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi cá koi

Cá koi là loại cá có giá trị cao, tính thẩm mỹ đẹp. Vì vậy, bất kì ai cũng đều mong muốn chúng thật khỏe mạnh, mau lớn và không mắc bệnh hoặc nguy hiểm hơn là bị chết. Để có thể nuôi cá koi có được màu sắc và sức khỏe như ý muốn thì cần những kỹ thuật chăm sóc đặc biệt hơn những loài cá cảnh khác. Người chơi sẽ cần tìm hiểu rất kĩ những thông tin và nhiều kiến thức khác nhau.

Dưới đây là những kỹ thuật nuôi cá koi cực kỳ quan trọng, đừng bỏ qua chi tiết nào nhé.

1. Chọn giống nuôi cá koi

Giống cá koi khỏe mạnh sẽ quyết định đến 50% tỉ lệ sống sót và phát triển ổn định sau này. Nên chọn mua cá ở những cơ sở uy tín, trại giống có giấy kiểm định, xuất xứ rõ ràng, đúng chủng loại và có bảo hành.

Giống cá koi Nhật chọn mua cần có những đặc điểm:

– Về hình dáng:

+ Cơ thể cân đối, mịn màng, thân hình thuôn dài.

+ Đầu hơi gật gù, miệng dày, râu dài và cứng

+ Vây lưng, vây ngực, vây đuôi hài hòa. Vây dày và đục, ánh sáng không xuyên qua nhiều được.

– Màu sắc sáng, hoa văn rõ ràng, phân cách giữa các màu rõ nét

– Dáng bơi thẳng, bơi khỏe, mắt nhìn lanh lẹ và phản ứng nhanh

Không chọn mua những giống cá sau:

– Kích thước cá quá lớn, không phù hợp với bể hoặc hồ chứa. Thông thường với các kích thước hồ vừa và nhỏ thì nên chọn loại cá có chiều dài từ 10 – 20 cm. Các gia chủ mới chơi có thể chọn các kích thước cá nhỏ hơn để nuôi lấy kinh nghiệm.

– Cá có dị tật, bề mặt bị trầy xước

– Màu sắc mờ nhạt, xỉn màu, vây lưng, vây đuôi cụp

– Cá bơi chậm chạp hoặc chỉ nằm 1 chỗ

– Cá có mầm bệnh: đốm đỏ, thối vây lưng, lở loét…

2. Điều kiện hồ nuôi cá koi

Điều kiện hồ nuôi cá koi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, khả năng phát triển của loài cá này. Một hồ nuôi cá koi đạt chuẩn bao gồm rất nhiều yếu tố.

– Kích thước hồ: phù hợp với số lượng và kích thước loại cá koi sẽ nuôi. Không nên xây hồ quá nhỏ vì khả năng tăng trưởng của cá koi là liên tục.

– Mật độ nuôi cá koi: lý tưởng là 1 con/m3. Những loại cá koi mini có thể nuôi với mật độ dày hơn.

– Mực nước hồ nuôi: tối thiểu là 0.6m đối với những loại cá koi cỡ nhỏ và 0,8 – 1,2m đối với những chú cá koi cỡ lớn và không nên sâu quá 1,5m (trừ trường hợp đặc biệt).

– Chất lượng nước: đảm bảo phải luôn trong sạch, không có rong rêu và vi khuẩn gây bệnh.

+ Độ pH: 7 – 7,5

+ Nhiệt độ: 20 – 27 độ C

+ Hàm lượng Oxy: tối tiểu 2,5mg/l

Để đảm bảo chất lượng nước luôn ở ngưỡng lý tưởng thì cần thường xuyên kiểm tra định kỳ bằng các thiết bị, máy đo chuyên dụng. Ngoài ra, cần bố trí hệ thống lọc nước cho hồ nuôi cá koi một cách hiệu quả. Đặc biệt đối với hồ cá koi ngoài trời.

3. Các bệnh thường gặp ở cá koi

Cá koi rất dễ mắc bệnh nếu ở trong môi trường nước không được đảm bảo vệ sinh và ô nhiễm. Các loại bệnh thường gặp ở cá koi như bị loét thân, rụng vảy, đốm trắng, lở môi, loét, sán da,…

Nguyên nhân gây bệnh:

  • Không thường xuyên vệ sinh, cải tạo hồ cá koi dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm.
  • Hệ thống lọc nước trong hồ cá ngoài trời, trong nhà không đạt chuẩn hay bộ lọc không đủ công suất so với thể tích hồ.
  • Không xử lý vi sinh và những sinh vật ngay từ đầu khi chưa thả cá.
  • Không cách ly cá mới khi mua về để dẫn đến lây bệnh cho đàn cá cũ.
  • Thức ăn cho cá Koi không rõ nguồn gốc, hết hạn, hoặc chưa được xử lý trước khi cho cá ăn.
  • Hồ cá Koi quá bé so với số lượng cá trong hồ. Khi có sự chênh lệch như vậy dẫn đến cá không có không gian để cá bơi lội hoạt động, lượng Oxi thiếu hụt, chất thải đáy hồ nhiều,..
  • Cá bị sốc nước khi thay nước mới.
  • Sự thay đổi thất thường độ pH, nhiệt độ trong hồ cá Koi.

Cách phòng tránh bệnh ở cá Koi:

  • Phải thường xuyên vệ sinh hồ, kiểm tra độ phát triển của tảo, rong rêu trong hồ để có biện pháp xử lý kịp thời.
  • Luôn phải quan tâm tới độ PH trong hồ từ 7 – 7.5PH, và nhiệt độ hồ cá phải để ở mức phù hợp 30 – 32 độ C
  • Chọn mua cá từ những địa chỉ uy tín để đảm bảo cá luôn có sức khỏe tốt không bệnh tật.
  • Lựa chọn những đơn vị chuyên nghiệp trong thiết kế và lắp đặt hệ thống lọc hồ cá koi.
  • Cách ly cá mới mua về (thông thường khoảng 2 tuần, nếu thấy cá khỏe mạnh thì bạn có thể thả vào hồ lớn).
  • Thường xuyên theo dõi chế độ sinh hoạt của cá, nếu trên cá có dấu hiệu bất thường như lười bơi, bơi chậm, bỏ ăn hay trên cơ thể có nhiều vết bất thường thì hãy ngay lập tức cách ly cá để theo dõi và hỏi về bệnh của cá để có biện pháp xử lý sớm tránh lây nhiễm cho cả đàn cá

4. Lắp đặt hệ thống lọc phù hợp

Dù là hồ cá koi trong nhà hay ngoài trời đều cần phải lắp đặt một hệ thống lọc bể chuẩn kỹ thuật và phù hợp với hồ cá nhà bạn. Hệ thống lọc là bộ phận quyết định tới môi trường cá sống và ảnh hưởng trực tiếp tới sự sinh trưởng và phát triển của cả đàn cá.

Hệ thống nước phải phù hợp với dung tích của bể cá và lượng cá trong hồ để mang tới chất lượng nước tốt nhất cho bể cá. Hồ có diện tích lớn cần một hệ thống lọc năng suất cũng phải lớn để có thể lọc và xử lý nguồn nước cũng như chất thải trong hồ, nếu hệ thống lọc không đạt đủ năng suất sẽ gây nên tình trạng rác thải đọng lại dưới hồ, vi sinh vật gây bệnh phát triển mạnh, nước đục bẩn, ô nhiễm.

Phải lắp đặt hệ thống lọc có chất lượng không nên ham rẻ mà sử dụng hệ thống lọc không đạt chuẩn chất lượng, kỹ thuật và nhanh hỏng không hoạt động làm cho bạn vừa mất thời gian sửa chữa và tiền bạc. Nên lựa chọn những đơn vị thi công uy tín chất lượng và có kiến thức chuyên sâu về vấn đề này để tránh được các vấn đề và sự cố đáng tiếc.

5. Kinh nghiệm nuôi cá koi khi trời mưa

Cách nuôi cá koi cho các loại hồ cá koi ngoài trời khi thời tiết thay đổi là yếu tố vô cùng quan trọng, đặc biệt nếu những cơn mưa kéo dài sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước của hồ cá cũng như sức khỏe của cá.

Nước mưa mang tính chất acid và sẽ làm PH trong hồ có sự thay đổi. Những cơn mưa này mang theo nhiều bụi bẩn trong không khí, lá cây, vật trang trí quanh hồ và trong hồ chứa đựng nhiều bụi bẩn, nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn,… sẽ xâm nhập theo nước mưa dội xuống hồ.

Mưa lạnh kéo dài sẽ làm cho nhiệt độ nước trong hồ thay đổi, vì koi là động vật biến nhiệt, nhiệt độ nước thấp sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của Koi, Koi sẽ khó hấp thụ được thức ăn hơn bình thường. Nếu buổi trưa, trời đang nóng và mưa mát sau đó nóng lên lại làm cá Koi không thể thích nghi kịp với sự thay đổi nhiệt độ quá nhanh chóng sinh ra bệnh.

Đó là một số ảnh hưởng của trời mưa đến hồ cá koi mà bạn cần biết để có những biện pháp điều chỉnh sau đây:

  • Kiểm tra pH: pH là yếu tố dễ biến động nhất sau những cơn mưa lớn, sự biến động đột ngột của pH có thể làm Koi Sock và giảm sức đề kháng. Vì vậy, các bạn nên kiểm tra pH cứ 2 giờ một lần trong lúc trời mưa và ngay sau khi mưa để điều chỉnh kịp thời. Duy trì pH ở mức thích hợp từ 7,5 – 8,5 và dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị. Có thể điều chỉnh pH ngay trong thời gian đang mưa bằng cách sử dụng Canxi Cacbonat.
  • Điều chỉnh lượng thức ăn: Có thể ngưng cho ăn một vài hôm. Như đã nói ở trên, nhiệt độ nước thay đổi sẽ làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của Koi, nước lạnh có thể làm cho Koi khó tiêu hóa được thức ăn. Vì vậy, bạn có thể dừng cho cá ăn để giảm stress và có thể tiêu hóa tốt hơn.
  • Bật sủi và thác nước tối đa : để nước tuần hoàn tốt hơn, tăng oxy trong nước giúp tăng sức đề kháng cho cá. Bên cạnh đó, cũng góp phần làm giảm độ độc của những yếu tố khí phụ thuộc vào pH như: H2S, NH3,…
  • Bổ sung vitamin vào thức ăn cho Koi để tăng sức đề kháng.
  • Tăng cường vi sinh: Sau khi hoàn tất các bước trên bạn nên tăng cường vi sinh để ổn định và gia tăng nhóm vi sinh có lợi. Sục thêm khí vào hồ hoặc lọc là một giải pháp tốt, nhằm đẩy mạnh hoạt động của vi khuẩn có lợi trong hồ hoạt động. Có thể bổ sung men vi sinh để hệ vi sinh có lợi nhanh trở lại trạng thái ổn định.